Ngoài khoản phí thanh lý hợp đồng 1 tỷ USD, Elon Musk có thể bị Twitter kiện và đòi bồi thường thêm hàng tỷ USD.
Thứ 6 vừa qua, tỷ phú Elon Musk đã quyết định tạm dừng kế hoạch mua lại Twitter với lý do muốn nắm chắc số lượng tài khoản giả mạo, spam trên nền tảng này. Trong một đoạn tweet 2 giờ sau đó, Musk cho biết ông vẫn muốn mua lại mạng xã hội này trong thời gian tới.
Trong trường hợp Elon Musk thật sự muốn rút lui khỏi thỏa thuận mua lại Twitter, ông có thể sẽ phải bồi thường hàng tỷ USD.
Không chỉ là khoản phí 1 tỷ USD
Khi ký kết thỏa thuận mua lại vào cuối tháng trước, Musk và Twitter đã đồng ý với điều khoản hủy hợp đồng trị giá 1 tỷ USD. Cần phải lưu ý rằng số tiền này không cho phép một trong hai bên phá vỡ hợp đồng một cách tùy ý.

Elon Musk khó lòng rút lui khỏi thỏa thuận mua lại Twitter mà không chịu thiệt hại gì
Theo đó, khoản tiền 1 tỷ USD được bên mua trả cho bên bán trong trường hợp thỏa thuận đã ký không thể hoàn tất do cản trở của cơ quan chức năng hay bên mua không thể huy động đủ tài chính. Bên mua cũng có thể yêu cầu bên bán bồi thường 1 tỷ USD nếu phát hiện ra những thông tin được đưa ra trước đó là không chính xác hoặc bên bán tìm được bên thứ ba trả giá cao hơn.
Một sự sụt giảm giá trị, giống như đợt bán tháo hiện tại đã khiến Twitter mất hơn 9 tỷ đô la vốn hóa thị trường, không được coi là lý do hợp lệ để Musk đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hiện tại, dù ông có trả khoản phí 1 tỷ USD hay không.
Nếu Musk không còn muốn mua lại Twitter vì cảm thấy cái giá đưa ra trước đó quá cao, Twitter có thể kiện Musk ra tòa để đòi khoản tiền bồi thường hàng tỷ USD kèm theo phí thanh lý hợp đồng 1 tỷ USD. Điều này đã từng có tiền lệ, chẳng hạn như khi Tiffany kiện tập đoàn hàng xa xỉ của Pháp LVMH vào năm 2020 vì cố gắng rút lui khỏi thỏa thuận mua lại đã ký trước đó. Vụ kiện chỉ được giải quyết khi Tiffany đồng ý giảm giá bán lại cho LVMH từ 16,2 tỷ USD xuống còn khoảng 15,8 tỷ USD.
Musk và các nhà đầu tư đang muốn ép giá Twitter?
Giống như LVMH, Musk có thể muốn Twitter giảm giá bán. Cổ phiếu Twitter đã giảm hơn 8% vào thứ 6 và giảm khoảng 23% so với giá mua được Musk đưa ra trước đó là 54,20 USD/cổ phiếu. Một phần của sự sụt giảm có liên quan đến sự lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ trong tháng này.
Toni Sacconaghi, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Bernstein, cho biết: “Đây có lẽ là một chiến thuật đàm phán của Elon. Thị trường đã đi xuống rất nhiều. Musk có thể đang sử dụng chiêu bài muốn xác nhận số người dùng thực tế của Twitter như một lợi thế thương lượng”.

Elon Musk có thể đang muốn ép giá Twitter
Musk đang kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài để giảm bớt số tiền mà chính ông phải bỏ ra nếu mua lại Twitter. Nếu Musk có thể thâu tóm Twitter với mức giá thấp hơn, ông có thể đem lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư bên ngoài khi Twitter trở thành công ty đại chúng một lần nữa.
Cũng giống như trường hợp của Tiffany và LVMH, Twitter không có nhiều lựa chọn ngoài việc thương lượng lại với Musk. Công ty có thể muốn tránh một vụ kiện kéo dài và tốn kém. Nhân viên có thể rời đi hàng loạt nếu Twitter không có kế hoạch tương lai rõ ràng. Twitter đã ở trong tình trạng cắt giảm chi phí. Thứ 5 vừa qua, Twitter đã sa thải hai giám đốc điều hành và tạm hoãn việc tuyển dụng.
Khi Twitter đồng ý bán mình cho Musk với giá 54,20 đô la/cổ phiếu, hội đồng quản trị công ty không hề có ý định đẩy giá vì không có bên thứ 3 nào muốn mua Twitter với mức giá như Elon Musk chứ chưa nói đến cao hơn. Hội đồng quản trị của Twitter đã đưa ra kết luận rằng cổ phiếu của công ty khó lòng trở lại mức trên 54,20 đô la do sự sụt giảm chung của toàn ngành công nghệ.
Ở thời điểm hiện tại, lựa chọn tốt nhất của Twitter là chấp nhận mức giá mua lại thấp hơn từ phía Elon Musk.
Mời bạn xem thêm video đang được nhiều người quan tâm: